Trung Tâm Gia Sư Nhật Gia Minh – 0915.310.858
#quanchieuvan
THỜI XA VẮNG
Vùng quê nghèo, lam lũ với những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ cùng những con người cần cù chất phác, quanh năm lam lũ mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc.
Trường học ở đây cũng nhỏ, những phòng học bé xíu, lèo tèo với cái bảng đen, bàn ghế, đám trẻ con và một vài thầy giáo làng.
Lũ trẻ làng quê với mái tóc khét nắng, quần áo xộc xệch, lôi thôi lếch thếch cắp cặp tới lớp học, những mong học được cái chữ và một tương lai không xa sẽ có thể đổi đời, Lam cũng vậy. Cô trò nhỏ ấy háo hức và khao khát đi học. Nó học rất giỏi, lại rất ngoan, năm năm cấp 1 luôn có giấy khen, được nhận thưởng. Nó đã mơ về một tương lai thoát khỏi vùng quê nghèo, đến một nơi khác lập thân, lập nghiệp.
Hết lớp 5, mười hai tuổi, Lam nghỉ học. Nó phải ngồi bán quà vặt trước cổng trường phụ mẹ, không được tới lớp với bạn bè và thầy cô nữa. Nhà nó nghèo mà lại có tới năm miệng ăn, lo cái ăn, cái mặc đã đủ mệt, làm sao mà có thể cho nó tập sách tới trường như người ta? Trường cấp 2 xa nhà, nó phải ra tỉnh học, đi về mất cả ngày, ai sẽ trông em, đi làm đồng cho được? Nghĩ vậy, mẹ đã cho nó nghỉ, sắm cho một cái mẹt con và bán bánh kẹo, hoa quả khi tan trường, kết hợp trông em mỗi ngày. Lam nhận lấy cái mẹt với dăm thứ quà mà cúi đầu. Lặng yên, cam chịu…
Cứ sau một hồi trống,tan trường, lũ trẻ trong trường túa ra, vây quanh Lam, nhìn ngắm các thứ quà, nhao nhao nói trỏng:
– Bán trái cóc đi
– Bán cái kẹo
– Bán cái bánh tráng đi
– Bán viên bi đi
……
Ồn ào như thế một lúc thì cái mẹt hàng của Lam vơi đi, đám đông cũng giãn ra, cổng trường vắng hoe, chỉ còn xao xác lá bàng rơi trong sân và tiếng sột soạt đếm tiền của Lam. Ngày nào cũng vậy, Lam quen rồi. Đang lúi húi thu dọn và tính tiền một lần nữa, Lam chợt nghe giọng một người, chắc khỏe và trầm ấm:
– Em làm gì vậy Lam? Sao em không đi học ?
Lam ngước lên, là thầy Quân, thầy giáo làng của em hồi mấy tháng trước, khi em học lớp 5. Thầy rất thương em, thầy thường nói với em hãy cố gắng học để nên người, để đổi vận, để thành tài…. Em nhìn thầy, mắt rưng rưng, không nói….
Năm năm trôi qua,cổng trường vẫn vậy, nhưng Lam đã lớn hơn, cái mẹt hàng cũng lớn theo, biến thành hai cái gánh nho nhỏ trên vai cô mỗi ngày rong ruổi. Lũ trò nhỏ cũng đã thay đổi, tuy vẫn lao nhao mỗi độ tan trường khi quây quanh gánh hàng rong của Lam, nhưng chúng đã không còn nói trỏng khi mua hàng như trước. Chúng đã í ới gọi chị ơi một cách ngoan ngoãn và lễ phép :
– Chị ơi, bán cho em trái ổi
– Chị ơi, bán cho em cái kẹo mút
– Chị ơi, bán cho em cái bong bóng
….
Nhiều năm sau, ngôi trường đã lớn hơn, cây cối đã to hơn, người đã nhiều hơn, quê nghèo cũng đã khá hơn, Lam đã có một xe hàng để đẩy đi bán mỗi ngày. Lũ học trò bây giờ, đã gọi Lam là cô, là dì, là thím…. khi chúng nhao nhác quanh cô mỗi lúc tan trường:
– Bán cho con miếng khóm thím ơi
– Bán cho con trái xoài cô ơi
– Dì ơi, bán cho con 500đ kẹo
……
Lam vẫn nhớ lớp, nhớ trường lắm lắm. Ngày nào, Lam cũng nhìn lũ trẻ đi học mà thèm thuồng, Lam chỉ ao ước được một lần quay vào trong lớp, được ngồi vào bàn học dể được nghe giảng bài, được thầy chấm điểm, được chơi đá bóng, đá cầu với các bạn. Sân trường , lớp học trong Lam sẽ mãi mãi ở độ tuổi 11, 12, khi mà Lam còn được đến trường học hành, vui vầy cùng chúng bạn. Lam vẫn sẽ xuất hiện trước cổng trường sau giờ học để bán hàng. Khi nghĩ rằng sẽ có lúc, tụi học sinh sẽ gọi mình là bác, là bà… khi mua kẹo, bánh…, chạnh lòng, Lam buồn, nhớ bạn bè, nhớ bảng đen, nhớ phấn trắng, nhớ lớp, nhớ…..
Trong lúc Lam đứng lặng, suy nghĩ mông lung, một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai em, một giọng nói trầm ấm, thân quen vang lên:
– Lam phải không? Em vẫn bán ở đây hả?
Ngỡ ngàng, quay lại, Lam nhận ra thầy, thầy giáo lớp 5 cũ. Chỉ có thầy vẫn gọi Lam là em. Nhìn người đàn ông già, quắc thước trước mặt, nước mắt rưng rưng, Lam cúi đầu, lặng im không nói, chỉ kêu được hai tiếng : thầy ơi!
Nguyễn Hồng Minh