Liên quan đến việc bảo tồn những di sản của Triều Nguyễn, có một câu chuyện liên quan đến “cái tâm, tầm” của Giáo sư sử học Phan Huy Lê.
Năm 1977, ông có một chuyến khảo sát và giúp sinh viên năm cuối lấy tư liệu làm khóa luận tốt nghiệp ở Bình Trị Thiên.
Trưởng ty Văn hóa tỉnh mời ông tới nhà ăn cơm.
Trong câu chuyện, người đứng đầu ngành đề cập đến một vấn đề mà tỉnh đang hết sức khó xử. Đó là việc tu bổ các di tích liên quan đến triều Nguyễn.
Trải qua thời gian và tác động của chiến tranh, nhiều hạng mục di tích (thành quách, đền miếu, lăng tẩm…) bị hư hại, xuống cấp thậm chí đổ nát, nhưng không được chính quyền ưu tiên giải quyết.
Đúng lúc đó, tố chức UNESCO có nhã ý dành cho Huế một ngân khoản để khắc phục khẩn cấp tình trạng trầm trọng của một số di tích, trong đó có lăng Hoàng đế Nguyễn Thế Tổ. Tưởng rằng đây là một cơ may, nào ngờ điều đó lại trở thành một tình huống khó xử.
Có một vài lãnh đạo chủ chốt của tỉnh kiên quyết không đồng ý chủ trương nhận tiền tu bổ di tích với lý do: “Khi tỉnh còn đang phải giải quyết muôn vàn khó khăn thì không phải là lúc đi sửa chữa mồ mả cho vua quan phong kiến, nhất là vị vua đã từng “cõng rắn cắn gà nhà”.
Trưởng ty nhờ Giáo sư thuyết phục các lãnh đạo tỉnh.
Giáo sư Phan Huy Lê lập luận như sau:
– Có thể chia sẻ với các lãnh đạo về việc không ưu tiên tu sửa di tích trong khi tỉnh còn vô vàn công việc cấp bách khác cần phải giải quyết, nhưng bảo tồn, tôn tạo di tích sớm muộn cũng phải làm.
Tính chất gấp gáp của công việc như Ty Văn hóa đề xuất, không phải ở tính chất mà do mức độ khẩn cấp của công việc.
Các di tích này nếu không có những biện pháp gia cố kịp thời có thể bị sập đổ, sẽ mất đi vĩnh viễn. Mai sau con cháu có thể trách cứ chúng ta về việc này.
– Thành quách, đền miếu, lăng tẩm của vua quan nhưng lại là kết tinh sức lao động của của những nguời thợ thủ công cả nước.
Tôn tạo những di tích chính là giữ gìn những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật của dân tộc, những thành quả lao động của nhân dân.
– Chủ nhân những lăng tẩm kia bất kể là ai, đều là những nhân vật lịch sử. Công tội sẽ được lịch sử phán xét, nhưng dù có là nhân vật phản diện thì việc giữ lại được những di tích vật chất sẽ tốt hơn rất nhiều cho việc giáo dục so với việc sau này chỉ nói xuông …
– Tuy cần kíp như vậy, nhưng trong lúc tỉnh đang gặp khó khăn (nhất là dân còn đang thiếu ăn) cũng không thể ưu tiên kinh phí cho công việc này.
Đây là khoản tiền của UNESCO tài trợ, không thể dùng vào việc khác. Nếu không nhận thì chúng ta sẽ bị đánh giá không tốt về nhận thức văn hóa.
Lập luận của Giáo sư Phan Huy Lê đã thuyết phục được các vị lãnh đạo khó tính nhất, tỉnh đã đồng ý nhận khoản kinh phí để kịp thời tu bổ cho những di tích đang dột nát.
Nguồn ảnh:
Đại Nội Huế – Imperial City Hue.
Nguồn bài: Trang thông tin điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội.