Cậu chuyện có thật tại Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng
Anh chị quê Quảng Ngãi, học chung lớp rồi sau này yêu nhau, lấy nhau. Anh đẹp trai, cao to tới 1m75, phong độ, trắng trẻo trẻ non so với tuổi 40. Chị không xinh cũng chẳng đẹp, lại có phần khá dày dặn, giản dị. Nhất là sau khi hạ sinh con gái đầu lòng, chị tăng hơn 10kg và trở nên quá khổ.
Anh làm việc bên ngoài (bên quân đội) còn chị buôn bán tại gia nên về mặt nào đó, phần vất vả hơn luôn là chị. Thành ra, 99% người gặp anh chị bị nhầm lẫn chị là MẸ của anh. Tôi cũng từng. “Trời ơi cái chị đó có anh con trai đẹp trai quá!” cũng là lời của rất rất nhiều người trầm trồ khi gặp anh chị đi với nhau.
Chị bảo dù chênh lệch nhan sắc nhưng anh là người rất yêu vợ lại thương con. Trong thẳm sâu hay ngoài môi miệng anh luôn tự hào về vợ. Và gương mẫu không ai sánh bằng. Đi đâu cũng về sớm ăn cơm với vợ con. Không nhậu nhẹt bê tha, mỗi lần chỉ tối đa 2 lon và đi xe rất chuẩn. Vậy mà…
Ngày anh bị tai nạn, người bạn đi cùng chẳng bị sao, chỉ ngừng thở vĩnh viễn. Anh thì bị chết 1/ 2 cơ thể và buộc phải cắt bỏ 1 chân. Chị kể : “Khi tôi ra tới nơi thì họ lấy lá chuối đắp lại và bảo cả 2 đã chết. Toàn thân anh ấy dập nát”. May quá 1 người lại gần đã phát hiện anh còn thở nên đưa vào bệnh viện Quãng Ngãi. Chị cũng là người lấy hết can đảm 1 tay ký đơn cam kết đưa thẳng chồng ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, anh được cứu sống như một phép màu.
9 tháng ròng rã ở bệnh viện trải qua bao đớn đau với 6 lần phẫu thuật hầu như tất cả bộ phận trên cơ thể, anh vẫn lạc quan đón nhận. Ngay cả khi bị cắt bỏ 1 chân. Là bởi vì anh có 1 người vợ quá tuyệt vời. Cái thứ tình nghĩa vợ chồng đồng cam cộng khổ ấy quý giá không có gì so sánh nổi.
Chị bỏ qua hết những nỗi buồn bất hạnh ập xuống gia đình mà chăm lo anh từng li từng tí. Từ cái ngày anh còn nằm phòng cách ly sống đời thực vật cho tới khi mở mắt chập chờn. Rồi từ những bài tập phục hồi cơ thể tới khi khi anh cứng cáp ngồi được trên xe lăn. Có lúc tôi nghĩ chị là MẸ của anh vậy. Một tay lo chồng con, một tay chăm con, một tay chạy vạy kinh tế. Anh bảo chị có 3 đầu 6 tay mà! Bởi gia đình anh chẳng khá giả gì. Nghèo lại là khác. Những ngày tháng ấy làm chị vốn đã già trước tuổi càng thêm xanh xao. Còn anh được chăm kỹ nên càng trắng trẻo đẹp ra. Sự chênh lệch mỗi lúc càng nhiều. Nhưng nhờ thế, tôi nhìn thấy ở chị sự vững chãi, làm chỗ dựa cho anh. Thay vì đàn ông làm điểm tựa cho vợ, thì giờ ngược lại.
Tôi không gặp anh chị trong những ngày đau khổ nhất lúc anh chỉ có 10% sự sống mà chỉ gặp khi mọi chuyện đã gọi là “tai qua nạn khỏi” theo lời chị. Bởi chị bảo còn sống là còn tất cả, dù có mất đi 1 chân. Tôi cũng không biết anh chị vốn sống lạc quan hay là không còn nỗi đau nào hơn thế nên mới cười đón nhận.
Nhưng dù là trường hợp nào đi nữa, tôi vẫn thấy ấm lòng trước tinh thần sống của họ. Anh nói về cái chết của bạn mình: “Té xuống. Mình thì bị chết nửa người. Cái chân nát bét. Còn nó không bị gì cả. Chỉ bị…nín thở. Mà nín thở 1 năm rồi chưa thở lại”.
Còn chị cười nói rôm rả. Luôn là trung tâm của mọi cuộc vui với chồng con. Ngay cả nói về sự…già và thân hình quá khổ của mình cũng không có 1 chút tự ti, mặc cảm. Chị luôn miệng khen anh đẹp trai, đẹp đến chết mê chết mệt. Còn anh thì hay vỗ vào cái mông to của chị đầy tình tứ. Tôi cảm nhận anh đã yêu chị nhiều nhưng từ khi mất đi đôi chân, tình yêu lại càng sâu nặng.
Họ nghèo đấy. Nhưng chưa bao giờ than thở dù chị bảo chỉ còn mỗi cái nhà là chưa bán thôi. Nợ cũng không biết tới khi nào mới trả xong. Rồi chị đan bàn tay còn đeo nhẫn cưới vào tay anh mà nói :”Có đôi tay này mình sẽ tạo dựng lại a hỉ!”
Mỗi ngày dưới sàn bệnh viện, anh chị lót chiếu nằm và vẫn ôm nhau ngủ. Nhường cái giường cho con gái. Dù 1 bàn tay của anh đang phẫu thuật chưa lành hẳn nhưng tay kia anh vẫn ôm lấy vợ. Và chỉ còn 1 chân, anh vẫn gác lên vợ đầy ấm áp. Tôi nghĩ. Những ngày tháng sau này, họ sẽ vẫn tựa nương vào nhau như thế. Anh bảo: “Cần chi vợ đẹp hay giàu có. Cái cần là 1 người vợ như thế này là phước đức mấy đời rồi”