GIA SƯ NHẬT GIA MINH KÍNH CHÀO QUÝ PHỤ HUYNH, CÁC EM HỌC SINH THÂN MẾN!
1. Sơn Dương (Tuyên Quang): Mặc dù từ “sơn dương” trong tiếng Hán Việt là con dê núi, nhưng danh xưng Sơn Dương của thành Tuyên không mang hàm ý vậy. Sơn (山) là Núi còn Dương (阳) là Ánh mặt trời. Sơn Dương nghĩa là “Ánh mặt trời chiếu xuống vùng núi non”.
Tên gọi này được vua Lê Thánh Tông chọn đặt vào thế kỷ 15.
2. Tuyên Quang: Tên gọi này xuất hiện lần đầu vào năm 1335 trong cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc. Khi đó Tuyên Quang là tên sông mà nay chính là sông Lô. Tuyên (宣) là rộng rãi; Quang (光) ánh sáng. Tuyên Quang là “Vùng đất rộng lớn tràn ngập ánh mặt trời”.
3. Điện Biên: Tên gọi do vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841. Điện (奠) là Vững chắc, Biên (边) là Biên giới. Điện Biên nghĩa là “Vùng biên cương phía Tây luôn vững bền, ổn định”.
4. Phù Ninh (Phú Thọ): Tên gọi có từ thời nhà Trần khoảng thế kỷ XIII. Phù (扶) là Nâng đỡ, giúp đỡ; Ninh (宁) là an toàn, an ninh. Phù Ninh là “Phù giúp, bảo trợ cho sự yên ổn”. Có lẽ do vùng đất này nằm tại gần Phong Châu xưa nên có dụng ý bảo vệ an ninh cho cố đô?
5. Kim Bôi (Hòa Bình): Tên gọi này mới xuất hiện vào năm 1959 sau khi tách từ Lương Sơn. Kim (金) là Vàng, Bôi (杯) là Chén. Kim Bôi là “Vùng đất chén vàng” do tại đây rất nhiều mỏ vàng sa khoáng.
6. Thái Nguyên: Tên gọi từ thời Lý khoảng những năm 1010. Thái (太) là to, lớn. Nguyên (原) là cánh đồng hoặc bằng phẳng. Tuy địa hình của Thái Nguyên là miền trung du nhưng danh xưng mang hàm ý là “Vùng đất bằng phẳng rộng rãi”, thể hiện mong ước khai phá đất đai của các cụ ngày xưa.
7. Trùng Khánh (Cao Bằng): Tên gọi do vua Minh Mạng đặt vào năm 1826. Trùng (重) là tầng tầng lớp lớp nối nhau, Khánh (庆) là vui mừng, vui sướng. Trùng Khánh nghĩa “Hạnh phúc lâu dài” thể hiện mong muốn về một nơi biên ải luôn hạnh phúc, an lành.
8. Lạng Sơn: Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép tên Lạng Sơn xuất hiện vào năm 981. Lạng là phiên âm Hán Việt của từ Lũng chỉ “thung lũng” trong tiếng Tày – Nùng cổ. Như vậy, Lạng Sơn nghĩa là “Xứ sở của những thung lũng có núi cao đẹp” thể hiện tình cảm gắn bó Việt – Tày – Nùng trong lịch sử.
9. Móng Cái (Quảng Ninh): Sơ khai khi người Hoa từ Quảng Đông (TQ) sang đây buôn bán gọi nơi này là “Mong Gâi”. “Mong Gâi” trong Hán Việt là Mang Nhai. Mang (硭) là phiên âm của từ “Mường” trong tiếng Tày – Nùng, Nhai (街) là phố, phường. “Mường Nhai” là “Phố Mường”, tức là con phố có tập trung đông dân cư Tày – Nùng sinh sống. Sau này người Pháp ghi thành Moncay và dần dần chuyển thành Móng Cái.
10. Nghệ An: Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều vua Lý Thái Tông khi nhà vua xuống chiếu cho đổi tên gọi Hoan Châu thành Nghệ An. Nghệ (乂) là yên ổn, An (安) là yên lành. Nghệ An nghĩa là “Vùng đất thái bình vô sự, yên ổn dài lâu”.
11. Đà Lạt: Khởi nguồn từ chữ Đạ Lạch – tên gọi của con suối Cam Ly chảy qua thành phố. Theo ngôn ngữ của người Cơ Ho thì Đạ là nước, Lạch là người Lạch (dân tộc Cơ Ho ngày nay). Đạ Lạch nghĩa là “Vùng nước của người Lạch”. Người Pháp sau này lên đây gọi là Dalat và bây giờ chuyển thành Đà Lạt.
12. Bạc Liêu: Tên gọi này xuất phát từ tiếng Triều Châu là “Pô Léo” (蒲寮) khi người Hoa di cư từ Trung Quốc xuống miền Nam nước ta, thần phục nhà Nguyễn và được phép khai khẩn đất đai.
Pô Léo – Bạc Liêu nghĩa là “Xóm nghèo làm nghề hạ bạc”, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển.
Tuy nhiên giờ Bạc Liêu giàu phết …!