Xuyên suốt cuộc đời mình, con người luôn mong mỏi tìm kiếm một người thầy (mentor) xuất sắc và đồng điệu để chỉ bảo và định hướng con đường sự nghiệp của họ. Có người đã ở bên kia cái dốc cuộc đời vẫn chưa thể bén duyên với người thầy tuyệt vời nào, có người thì đã từ bỏ. Nhưng, họ không biết rằng, bôn ba khắp bốn phương, người thầy lớn nhất chính là trực giác của chính họ.
Trực giác là một khái niệm khá mơ hồ, thậm chí từ lớp 1 đến lớp 12, hiếm thấy một thầy cô giáo nào nhắc đến nó, hoặc họ nhắc đến nó vì phải nhắc đến nó, và xem nó giống như một từ ngữ bình thường nào khác như cái cây, con chó, phi công, tàu hỏa… Không một bộ môn nào hay một khóa học, sự kiện nào tập trung bàn luận chuyên sâu về trực giác mà bạn từng tham gia. Thật tiếc!
Theo wikipedia:
Trực giác là một quá trình cho chúng ta khả năng hiểu biết được sự việc một cách trực tiếp mà không cần lý luận phân tích, bắc cầu giữa khoảng cách phần ý thức và tiềm thức của tâm trí cũng như giữa bản năng và lý trí[1][2], ngôn ngữ đời thường hay gọi là trực giác mách bảo dùng để chỉ việc hành động bất thường theo nội tâm, những sự việc thấy là không hợp lý và dự cảm mà không cần lý do.
Trực giác còn được gọi là linh tính hay giác quan thứ sáu cho phép ta thấy được những gì mà năm giác quan khác không thể thấy được cụ thể như linh cảm, cảm nhận, tưởng tượng… hay tất cả những gì thuộc về thế giới vô hình mà năm giác quan còn lại chỉ thấy được ở thế giới hữu hình, tức là những gì đang tồn tại. Người ta thường hay nói rằng nhiều lần nhờ trực giác mà con người thoát được nhiều hiểm nguy.
Bạn có biết, nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã từng phát biểu: “The only valuable thing is intuition” (Trực giác là thứ duy nhất có giá trị). Ông thẳng thắn nói thêm: “Tư duy trực giác là một món quà tặng thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng”.
Nhắc đến trực giác, tôi không thể không nhắc đến câu nói nổi tiếng của “Ông hoàng công nghệ” Steve Jobs – cũng đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của tôi: “Thời gian của bạn là hữu hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với kết quả từ những suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn lấn át giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”. Trực giác là người thầy dẫn dắt Steve Jobs bỏ đại học Reed đắt đỏ, qua Ấn Độ thiền hành và rồi xây dựng đế chế Apple hùng mạnh như ngày hôm nay.
Trực giác là tiếng nói bên trong bạn, nó không là gì ngoài kết quả của những trải nghiệm tri thức trước đó. Trong cuộc đời, con người luôn đứng giữa hai hay nhiều lựa chọn, và nhiều quyết định trong số đó được thúc đẩy bởi trực giác thay vì lý lẽ của tâm trí, từ chọn nghề, chọn người đồng hành, chọn sự giúp đỡ của một người lạ đến nhiều tình huống khác.